Trong bối cảnh Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ được hình thành cuối năm nay, cũng như nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng mà Việt Nam đã, đang và sắp ký kết, thì yêu cầu đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng tính cạnh tranh là vấn đề quan trọng của ngành nhựa Việt Nam.
Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Thông tin này được đề cập tại Hội thảo “Hướng phát triển cho ngành nhựa Việt Nam – đón đầu cơ hội từ sự hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chiều 16/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh (Tp.HCM).
Theo Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế ứng dụng Tp.HCM, yếu điểm lớn nhất của ngành nhựa Việt Nam là công nghệ sản xuất lạc hậu. Do sản phẩm của Việt Nam đứng ở phân khúc thấp nên các doanh nghiệp ít chú trọng đến việc đầu tư công nghệ máy móc hiện đại. Điều này làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm nhựa Việt Nam trên thị trường. Tuy nhiên, trước bối cảnh hội nhập, vấn đề đáng lo ngại hơn là năng lực quản lý, lãnh đạo của các doanh nghiệp nhựa không đủ quyết tâm để đổi mới, sáng tạo, áp dụng các công nghệ sản phẩm mới.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Thông tin thương mại VCCI cho biết, hiện có tới hơn 80% doanh nghiệp ngành nhựa có quy mô vừa và nhỏ. Không có nhóm doanh nghiệp nào giữ vị trí chủ đạo để dẫn dắt ngành nhựa nên tính cạnh tranh trong nội bộ ngành khá cao. Bên cạnh đó, sự tập trung các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong cùng lĩnh vực cũng đồng nghĩa với việc vốn, công nghệ của các doanh nghiệp khá hạn chế nên sẽ chịu áp lực cạnh tranh mạnh trước các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn đang có thế mạnh về kỹ thuật, kinh nghiệm thị trường. Trong khi đó, ngành nhựa ở một số quốc gia trong khu vực ASEAN như Thái Lan đã đón đầu xu hướng tiêu dùng của thế giới bằng cách hướng tới sản xuất các sản phẩm nhựa công nghệ sinh học, thân thiện với môi trường.
Theo VCCI, ngành nhựa Việt Nam hiện còn những hạn chế nhất định như nguyên liệu sản xuất trong nước chỉ mới đáp ứng 20% đến 30% nhu cầu với các sản phẩm chủ yếu gồm nhựa PVC, PET, PP. 70% nguyên phụ liệu còn lại của ngành đang phụ thuộc vào nhập khẩu. Do đó, giá thành sản xuất luôn bị biến động theo giá hàng hóa nguyên liệu đầu vào từ thế giới và biến động của tỷ giá ngoại tệ. Trong khi đó, số lượng mẫu mã, chủng loại sản phẩm của ngành nhựa còn đơn điệu, chưa có nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cũng như chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Ngành nhựa trong nước cũng chưa có các cơ sở nghiên cứu, phát minh về công nghệ và kỹ thuật, đội ngũ công nhân chưa có tay nghề cao, chưa có hệ thống đào tạo công nhân, nên chưa sản xuất được các chi tiết cao cấp để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu ở một vị trí cố định…
Một số doanh nghiệp trong ngành nhựa cho rằng, ngành nhựa Việt Nam hiện thiếu đội ngũ các chuyên gia am hiểu sâu về ngành, có thể phân tích, cung cấp thông tin về thị trường nhựa thế giới. Các doanh nghiệp hiện cũng khó tiếp cận nguồn dữ liệu, thông tin liên quan đến ngành để hoạch định chiến lược phát triển lâu dài. Theo kiến nghị của các doanh nghiệp ngành nhựa, Bộ Công Thương cũng như Hiệp hội Nhựa Việt Nam cần có sự liên kết chặt chẽ trong việc đưa ra dữ liệu phân tích, dự báo tình hình sản xuất, xuất khẩu nhựa trong nước cũng như thế giới, để các doanh nghiệp trong ngành có thể đưa ra các chiến lược phát triển dài hơi, bám sát với tình hình và nhu cầu thực tế từ thị trường./.